Theo nhiều đại biểu, với những quyền hạn quy định trong Hiến pháp, sự can thiệp của Thủ tướng và Chủ tịch nước vào đời sống KT-XH cần nghiêm khắc hơn.
Chiều 25/3, Quốc hội thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) đánh giá, nhiệm kỳ vừa qua của Thủ tướng có 2 ưu điểm nổi bật. Một là, hoạt động đối ngoại của Thủ tướng thắng lợi đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập quốc tế của đất nước với khu vực thế giới.
Với 25 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và việc phấn đấu để được cộng đồng quốc tế công nhận có nền kinh tế hoàn chỉnh là một nỗ lực rất phù hợp xu thế phát triển hiện nay trên thế giới.
Hai là, trong bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới khó khăn, Thủ tướng và Chính Phủ đã giữ được mức tăng trưởng trung bình 7%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đại biểu Trừng, vẫn còn một số tồn tại. Thứ nhất, tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, trong khi Thủ tướng là trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương. Thứ hai, Thủ tướng chưa sử dụng triệt để quyền hành của mình để xử lý cấp dưới sai phạm.
Phát biểu trước Hội trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào trình bày, nhân dân mong đợi ở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một quyết định rõ ràng hơn về vụ việc Vinashin. "Niềm tin của nhân dân đối với Chính phủ có lẽ sẽ bắt đầu từ những vụ việc mà Chính phủ làm thật quyết liệt đến nơi, đến chốn."- Đại biểu Hà Nội nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng kiến nghị, cần phát huy được vai trò của Chủ tịch nước như Hiến pháp quy định.
Cũng theo ông, Quốc hội nhiều lần hoãn những luật rất bức thiết. Chẳng hạn, Luật biển vẫn chưa có trong khi nước ta sở hữu tới 3.200km đường bờ biển. Mặt trái của Luật đất đai gây ra nhiều yếu tố không ổn định vẫn chưa có trong chương trình. Việc ban hành văn bản dưới luật chậm, làm cho luật chậm đi vào cuộc sống, gây nên ách tắc sự phát triển của đất nước.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào nhận xét, nhiều bộ đa ngành, đa lĩnh vực (quy mô của bộ lớn) nhưng khi phát sinh vấn đề lại khó khăn trong việc quy trách nhiệm. Ông Đào nhấn mạnh, không đồng ý với khái niệm "bộ đa ngành, đa lĩnh vực."
(Báo Điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu)
![]() | ![]() | ![]() | ![]() | ![]() | ![]() |
![]() | ![]() | ![]() | ![]() | ![]() | ![]() |